DUY CHÚA – ĐẤNG CÓ THỂ
“Đức Chúa Jêsus Christ đã đến trong thế gian để cứu vớt kẻ có tội, ấy là lời chắc chắn, đáng đem lòng tin trọn vẹn mà nhận lấy; trong những kẻ có tội đó ta là đầu. Nhưng ta đã đội ơn thương xót, hầu cho Đức Chúa Jêsus Christ tỏ mọi sự nhịn nhục của Ngài ra trong ta là kẻ làm đầu, để dùng ta làm gương cho những kẻ sẽ tin Ngài được sự sống đời đời. Nguyền xin sự tôn quí vinh hiển đời đời vô cùng về nơi Vua muôn đời, không hề hư nát, không thấy được, tức là Đức Chúa Trời có một mà thôi! A-men.” (I Ti-mô-thê 1:15-17)
Bạn đã bao giờ gặp một người “xoay chuyển được mọi thứ xung quanh” chưa?
Đây là những người phi thường. Họ truyền cảm hứng cho chúng ta để “bắt đầu lại từ đầu” – tìm một công việc mới hoặc thay đổi cách chúng ta chăm sóc bản thân. Họ giúp chúng ta thay đổi cách nhìn nhận về cuộc sống qua những điều họ đã làm được trong đời sống. Họ không tham gia một lớp học thêm ban đêm; mà họ đã có một cái nhìn vô cùng thấu đáo về ý nghĩa của việc thay đổi lâu dài. Họ theo đuổi mục tiêu bản thân một cách nghiêm túc – mỗi ngày quan tâm đến phương pháp và thực hiện kế hoạch. Và họ đã chứng tỏ mình làm được.
Phần lớn chúng ta đều có một hoặc hai điều muốn thay đổi về bản thân. Và nếu như chúng ta trung thực thì danh sách này có lẽ sẽ dài hơn nữa. Nếu chúng ta xem xét lại tất cả những việc còn đang dang dở hay những việc chúng ta muốn thay đổi, có lẽ sẽ có không ít điều đáng xấu hổ, là điều mà hầu hết chúng ta muốn giữ cho riêng mình.
Tuy nhiên, sứ đồ Phao-lô không giống như vậy, ông đã phơi bày mọi thứ. Ông không cố trốn chạy mà cũng không che giấu quá khứ của mình; sự thật là vì ông không thể che giấu được nó. Trước khi sống cuộc đời Cơ đốc nhân, ông đã bức hại nhiều mạng sống của các tín hữu mà đáng buồn là trong thời điểm đó ông lại vô cùng tự hào. Ông bắt bớ công tác truyền giáo cho người ngoại một cách tàn bạo vì sự tuân thủ nghiêm khắc luật pháp của người Do Thái – một đạo luật mà ông tự hào coi mình là “không chỗ trách được” (xem Phi-líp 3: 4-6). Đối với những “nhân vật nổi bật” đầy triển vọng thuộc dòng Pha-ri-si thì Phao-lô thực sự là một người vô cùng lí tưởng. Lạnh lùng, khó tính, tàn bạo…đó là những điều mà một học trò Pha-ri-si được dạy dỗ.
Nhưng Đức Chúa Trời có kế hoạch vĩ đại hơn cho kẻ tội nhân phi thường này. Thành tựu của ông là một tấm lòng nhiệt thành với tôn giáo sai trật, cuối cùng cũng sẽ không có giá trị gì cả. Trên thực tế, đời sống chưa tiếp nhận Chúa trước khi cải đạo của vị sứ đồ này đã trở thành một bài học trực quan sinh động về “lòng kiên nhẫn trọn vẹn” của Chúa dành cho những tội nhân như bạn và tôi.
Đó là Đức Chúa Trời mà chúng ta hầu việc, kính sợ và thờ phượng. Khi tiếp nhận Chúa vào lòng, chính Ngài sẽ biến đổi đời sống chúng ta. Đó không chỉ là một sự thay đổi hời hợt bề ngoài. Nhưng đó là một sự biến đổi trọn vẹn, một sự ban cho và che chở bởi ơn thương xót của Ngài.
“Vì tiền công của tội lỗi là sự chết; nhưng sự ban cho của Đức Chúa Trời là sự sống đời đời trong Đức Chúa Giê-xu Christ, Chúa chúng ta” (Rô-ma 6:23)
CẦU NGUYỆN: Lạy Cha Thiên Thượng, bởi sự hy sinh của chính Con Một Ngài, tội lỗi chúng con đã được tha và sự chết đã bị chế ngự. Xin Chúa ban cho chúng con ân điển để luôn sống đắc thắng mỗi ngày. Trong danh Chúa Giê-xu. A-men!
Câu hỏi suy ngẫm:
- Có phải đời sống được cứu của những kẻ “đại tội nhân” về sau sẽ trở thành một chứng nhân vô cùng hiệu quả cho những người khác hơn là một cuộc đời được cứu khỏi những tội lỗi cách bình thường, không có gì nổi trội hay không?
- Theo bạn, Phao-lô có che giấu bất cứ điều gì khi còn là một người thuộc dòng Pha-ri-si trước đây để áp dụng trong đời sống mới được biến đổi trong Đấng Christ không?
- Điều gì giúp lời làm chứng của bạn ảnh hưởng mạnh mẽ nhất khi bạn trò chuyện với người khác mỗi ngày?
Tác giả: Paul Schreiber
Người dịch: Globalinks Team 2019