TRANH ĐUA
Rô-ma 11:1-2a, 13-15 “Vậy tôi nói: Đức Chúa Trời có bỏ dân Ngài chăng? Chẳng hề như vậy; vì chính tôi là dân Y-sơ-ra-ên, dòng dõi Áp-ra-ham, về chi phái Bên-gia-min. Đức Chúa Trời chẳng từng bỏ dân Ngài đã biết trước… Tôi nói cùng anh em là người ngoại: Bấy lâu tôi làm sứ đồ cho dân ngoại, tôi làm vinh hiển chức vụ mình, cố sức để giục lòng tranh đua của những kẻ đồng tộc tôi, và để cứu mấy người trong đám họ. Vì nếu sự dứt bỏ họ ra đã làm sự hòa thuận cho thiên hạ, thì sự họ trở lại trong ân điển há chẳng phải là sự sống lại từ trong kẻ chết sao?”
Bạn đã bao giờ tranh đua với đức tin của một người khác theo chiều hướng tích cực chưa? Bạn có biết người nào dường như vượt trội hơn tất cả (dù cuộc sống khá nhiều thử thách, khó khăn nhưng lại hầu như không có sự đau buồn nào), và bạn biết chắc rằng nguyên nhân sâu xa chính là bởi đức tin vì họ luôn nhờ cậy nơi Chúa như là Đấng Che Chở và Dẫn Dắt họ không?
Ý tưởng về sự tranh đua tích cực dường như là điều mà sứ đồ Phao-lô đang đề cập đến ở đây. Mặc dù đã từ lâu, người Do Thái là một “dân bội nghịch và hay nói trái” (Rô-ma 10:21b), nhưng sứ đồ Phao-lô sốt sắng quan tâm đến tình trạng thuộc linh của họ. Khi ông truyền giáo cho dân ngoại và số lượng tín đồ gia tăng vì Chúa Thánh Linh ban cho họ đức tin, ông mong muốn anh em Do Thái của mình cũng sẽ khao khát – tranh đua với những điều mà dân ngoại bang nhận được: một đức tin thật và bền bỉ nơi Chúa Giê-xu Christ là Chúa và Đấng Cứu Rỗi của họ.
Đây không phải là ý định vu vơ. Mà trên thực tế, sứ đồ Phao-lô ước ao dân Do Thái sẽ được giải cứu, ông khẳng định rằng ông sẵn lòng dứt bỏ sự cứu rỗi của chính mình để đổi lấy việc họ trở lại đạo.
“Tôi nói thật trong Đấng Christ, tôi không nói dối, lương tâm tôi làm chứng cho tôi bởi Đức Thánh Linh: Tôi buồn bực lắm, lòng tôi hằng đau đớn. Bởi tôi ước ao có thể chính mình bị dứt bỏ, lìa khỏi Đấng Christ, vì anh em bà con tôi theo phần xác, tức là dân Y-sơ-ra-ên, là dân được những sự làm con nuôi, sự vinh hiển, lời giao ước, luật pháp, sự thờ phượng và lời hứa; là dân sanh hạ bởi các tổ phụ, và theo phần xác, bởi dân ấy sanh ra Đấng Christ, là Đấng trên hết mọi sự, tức là Đức Chúa Trời đáng ngợi khen đời đời. A-men.” (Rô-ma 9:1-5)
Người Do Thái thừa hưởng tất cả những điều sứ đồ Phao-lô đề cập trên đây. Tuy nhiên, sự nỗ lực không ngừng bởi việc làm để nhận được sự cứu rỗi dựa trên Luật pháp đã khiến họ không nhìn thấy một Đấng Mê-si đã được hứa ban trong vòng họ – đó chính là Chúa Giê-xu – là anh em của họ theo phần xác. Rõ ràng, Đức Chúa Trời là Con Người, Ngài là một hòn đá ngăn trở mà nhiều người trong số họ không thể nhìn thấy quá khứ (xem Rô-ma 9:30 – 10:4).
Nhiều người trong thế giới này cũng bị ảnh hưởng bởi tình trạng mù quáng tương tự. Ước mong mỗi đời sống Cơ Đốc nhân của chúng ta sẽ khiến cho nhiều người phải tranh đua với đức tin của chúng ta nơi Đức Chúa Giê-xu.
* LỜI CẦU NGUYỆN: Lạy Cha Thiên Thượng, xin giúp đời sống chúng con luôn chiếu sáng đức tin và tình yêu để thu hút người khác đến với Chúa Giê-xu. Chúng con cầu nguyện trong danh Chúa Giê-xu. A-men!
* Câu hỏi suy ngẫm:
1. Bạn biết và ngưỡng mộ sâu sắc ai nhất? Bạn cảm kích điều gì nhất ở người đó?
2. Liệu có phải sứ đồ Phao-lô có thể muốn trở thành sứ đồ cho dân Do Thái hơn dân ngoại không?
3. Bạn có nghĩ rằng niềm tin Cơ Đốc của mình rõ ràng và người khác dễ dàng nhận ra không?
* Tác giả: Paul Schreiber
* Người dịch: Globalinks Team
—