ĐƯỢC PHƯỚC VÀ ĐƯỢC THA THỨ
* Thi Thiên 32:1-2 “Phước thay cho người nào được tha sự vi phạm mình, được khỏa lấp tội lỗi mình! Phước thay cho người nào Đức Giê-hô-va không kể gian ác cho, và trong lòng không có sự giả dối!”
Thi thiên 32 là một trong bảy chương Thi Thiên ký thuật lại chủ đề ăn năn, thống hối; những chương khác là Thi thiên 6, 38, 51, 102, 130 và 143. Các chương đề cập về sự ăn năn được phân loại theo cách này vào những thế kỷ đầu của Hội Thánh và thường được dùng trong giờ thờ phượng, đặc biệt là trong Mùa Chay. Tuy nhiên, việc sử dụng các chương này, kể cả chương 32 trên đây không hề bị giới hạn chỉ phù hợp với Mùa Chay, mà những chương này còn hướng dẫn chúng ta về những lời cầu nguyện ăn năn, thống hối mỗi ngày.
Theo trước giả Thi Thiên này, vua Đa-vít, ơn phước đổ đầy cho người nào được tha thứ những vi phạm, được khoả lấp những tội lỗi mình. Phước hạnh đến với người nào “trong lòng không có sự giả dối”. Khi nói đến vấn đề ăn năn, sự chân thật cần thiết đó được sứ đồ Giăng giải thích cách đầy đủ hơn: “Ví bằng chúng ta nói mình không có tội chi hết, ấy là chính chúng ta lừa dối mình, và lẽ thật không ở trong chúng ta. Còn nếu chúng ta xưng tội mình, thì Ngài là thành tín công bình để tha tội cho chúng ta, và làm cho chúng ta sạch mọi điều gian ác.” (I Giăng 1:8-9)
Bản chất của tội lỗi là lừa dối và dễ khiến chúng ta mù quáng trước nhu cầu ăn năn và cần có một Đấng Cứu Rỗi. Trong những chương đề cập đến chủ đề ăn năn này, Lời Đức Chúa Trời đã chế ngự sự giả dối và phơi bày nhu cầu của chúng ta. Đa-vít mô tả kết quả thuộc linh và thuộc thể trước những nỗ lực vô ích để che giấu tội lỗi mình: “Vì khi tôi giữ im lặng, xương của tôi hao mòn vì tôi rên rỉ suốt ngày. Suốt ngày đêm, tay Ngài nặng nề trên tôi; sức lực của tôi cạn kiệt như sức nóng của mùa hè.” (Thi-thiên 32:3-4)
Thi-thiên trước đó mô tả về sự chịu khổ của Chúa chúng ta trên thập tự giá qua những ngôn từ phản chiếu sự tranh chiến của trước giả Thi-thiên trước tội lỗi kín giấu: “Đức Chúa Trời tôi ôi! Đức Chúa Trời tôi ôi! Sao Ngài lìa bỏ tôi? Nhân sao Ngài đứng xa, không giúp đỡ tôi, và chẳng nghe lời rên siết tôi?… Tôi bị đổ ra như nước, Các xương cốt tôi đều rời rã” (Thi thiên 22:1, 14a). Thân thể của Chúa Giê-xu mang lấy những tội lỗi của thế gian, những tội lỗi đã khiến Ngài rên siết và làm cho các xương cốt Ngài đều rời rã. Trên thập tự giá, cơn thịnh nộ kinh khiếp của Đức Chúa Trời nghịch cùng tội lỗi được bày tỏ qua chính Con Một Đức Chúa Trời bị lìa bỏ bởi sự chịu khổ và chịu chết của Ngài. Đó là cái giá phải trả để chúng ta nhận được sự chữa lành và ơn tha thứ, vì “không đổ huyết thì không có sự tha thứ.” (Hê-bơ-rơ 9:22b)
Trước giả Thi-thiên đã nhận biết tội lỗi, xưng nhận mọi sự vi phạm mình với Chúa và nhận được ơn tha thứ. Khi chúng ta không còn nỗ lực che giấu tội lỗi, khi chúng ta xưng nhận tội lỗi của mình với Đức Chúa Trời, thì Ngài là “thành tín công bình để tha tội cho chúng ta”. Trong Cứu Chúa Giê-xu, bởi sự chết cứu chuộc và sự phục sinh khải hoàn của Ngài, chúng ta được ban phước – được tha thứ mọi sự vi phạm và mọi tội lỗi chúng ta cũng được khoả lấp.
Được “phước” nghĩa là được hạnh phúc, nhưng nó còn vượt hơn thế nữa. Được phước nghĩa là nhận được ân huệ của Đức Chúa Trời, ơn mà chúng ta không đáng được hưởng, ơn được ban cho vì cớ Chúa Giê-xu. Được tẩy sạch bởi dòng huyết báu của Chúa Giê-xu, chúng ta kết thúc những lời cầu nguyện ăn năn của mình bằng những lời ngợi khen: “Hỡi người công bình, hãy vui vẻ và hớn hở nơi Đức Giê-hô-va! Ớ các người có lòng ngay thẳng, hãy reo mừng!” (Thi thiên 32:11)
* LỜI CẦU NGUYỆN: Kính lạy Đức Chúa Trời toàn năng là Cha, chúng con ngợi khen Chúa vì đã ban cho chúng con món quà vô giá là Đấng Cứu Rỗi, chính dòng huyết của Ngài đã tẩy sạch mọi tội lỗi chúng con. A-men!
* Câu hỏi suy ngẫm:
1. Bạn có cảm thấy hối hận về những lỗi lầm của mình không? Bạn có ăn năn những tội lỗi mình không? Bạn sẽ làm gì sau đó?
2. Đức Chúa Trời khoả lấp mọi tội của chúng ta như thế nào?
3. Làm thế nào chúng ta có thể được tha thứ mọi tội?
* Tác giả: TS. Carol Geisler
* Người dịch: Globalinks Team
—