TRÁCH NHIỆM CẢNH BÁO
* Ê-xê-chi-ên 33:7-9 (Lời Đức Chúa Trời phán rằng) “Nầy, hỡi con người, ta đã lập ngươi đặng làm kẻ canh giữ cho nhà Y-sơ-ra-ên; nên hãy nghe lời từ miệng ta, và thay ta răn bảo trước cho chúng nó. Khi ta phán cùng kẻ dữ rằng: Hỡi kẻ dữ, mầy chắc chết! Nếu ngươi không răn bảo để cho kẻ dữ xây bỏ đường lối xấu của nó, thì kẻ dữ ấy sẽ chết trong sự gian ác mình; nhưng ta sẽ đòi máu nó nơi tay ngươi. Nếu, trái lại, ngươi đã răn bảo kẻ dữ đặng xây bỏ đường lối xấu của nó mà nó không xây bỏ, thì nó sẽ chết trong sự gian ác nó, còn ngươi đã giải cứu mạng sống mình.”
Năm ngoái, con trai tôi đang cùng một nhóm bạn xây dựng một cầu thang lộ thiên tại một khu bảo tồn các loài chim địa phương. Đó là dự án Eagle Scout liên quan đến các việc đào bới. Vì không thể hoàn thành mọi việc trong ngày đầu tiên nên chúng tôi đã căng dây cảnh báo màu vàng toàn bộ khu vực. Chúng tôi muốn đảm bảo rằng không một ai cố leo lên cầu thang đang còn dang dở để phải bị té gãy chân.
Có thể một vài người sẽ nghĩ rằng việc này quá mức cần thiết. Dù gì việc cảnh báo cho người khác được biết tốt hơn là để họ bước chân vào công trình đang còn dang dở, phải không? Những chỗ trũng trên đất thật quá rõ ràng. Tại sao chúng ta phải tốn kém gắn cờ và căng dây cảnh báo trong khi bất kỳ người nào cũng có thể nhận ra nguy hiểm? Liệu đó có phải là lỗi của họ không nếu họ bị ngã?
Phải, có lẽ vậy. Nhưng theo nguyên tắc chung thì chúng ta cần làm những điều tốt nhất có thể để bảo vệ người khác – ngay cả những người hành xử thiếu ý thức chung hoặc trẻ em hay những người có thị lực kém. Chúng ta nhận ra những nguy hiểm tiềm ẩn. Vì vậy, chúng ta cần có trách nhiệm cảnh báo mọi người.
Bạn có phải là cha/mẹ, giáo viên, mục sư hay người lãnh đạo nào đó không? Tương tự, bạn cũng có nhiệm vụ cảnh báo. Nếu có ai đang ở dưới sự trông nom của bạn mà dính líu đến tội lỗi nào đó có thể dẫn đến sự hủy hoại họ thì bạn không thể nào bỏ đi và giả vờ như bạn không quan tâm. Bạn cần nỗ lực kéo họ ra khỏi nguy hiểm mà họ đang gặp phải.
Điều này thật khó đối với rất nhiều người trong chúng ta. Một số người thật sự thích đề ra quy tắc và thực hiện việc này một cách vụng về, tự cho mình là đúng nhưng lại gây ra tổn thương và xấu hổ không cần thiết cho những người liên quan. Những người khác thì ngược lại – họ thu mình lại không quan tâm, và mong đợi người khác giải quyết thay mình. Làm thế nào chúng ta có thể cư xử đúng mực?
Gia-cơ nhắc nhở chúng ta: “Hỡi anh em, trong vòng anh em nếu có ai lầm lạc cách xa lẽ thật mà có người khác làm cho nó trở lại, thì phải biết rằng kẻ làm cho người có tội trở lại, bỏ đường lầm lạc, ấy là cứu linh hồn người khỏi sự chết và che đậy vô số tội lỗi.” (Gia-cơ 5:19-20). Chúng ta chỉ có thể hành xử phải lẽ nếu như chúng ta ở dưới sự kiểm soát và hướng dẫn của Đức Thánh Linh – nếu chúng ta hết mực yêu thương người mà chúng ta đang mong muốn giúp đỡ và bày tỏ tình yêu đó qua lời nói cũng như việc làm trong mọi hoàn cảnh. Nếu tình yêu thương của Đức Chúa Trời hành động qua chúng ta, điều đó sẽ giúp chúng ta không còn phớt lờ những mối nguy hiểm hay làm những điều khiến nó trở nên tồi tệ hơn.
Lấy ví dụ nhé? Hãy nhìn tấm gương của Chúa Giê-xu, Cứu Chúa của chúng ta. Khi chúng ta đứng trước nguy cơ sự chết và địa ngục, Ngài đã cảnh báo chúng ta, và Ngài còn làm nhiều hơn là chỉ cảnh báo chúng ta. Ngài yêu thương chúng ta đến nỗi Ngài đã bằng lòng xuống thế gian làm người để giải cứu chúng ta. Ngài đã phó chính mạng sống Ngài vì chúng ta qua sự chết của Ngài trên thập tự giá, phá hủy quyền lực mà tội lỗi đã gây ra cho chúng ta. Và Ngài đã đắc thắng sự chết qua sự sống lại khải hoàn của Ngài và cho chúng ta, những ai tin cậy nơi Ngài được dự phần trong sự phục sinh của Ngài. Đó là cách Ngài yêu chúng ta.
* LỜI CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, cảm ơn Ngài đã luôn cảnh báo và giải cứu chúng con. Amen!
* Câu hỏi suy ngẫm:
1. Trong cuộc sống mỗi ngày, bạn nhìn thấy những cảnh báo nguy hiểm nào?
2. Có ai đã từng cảnh báo bạn về những hiểm họa thuộc linh chưa?
3. Việc cảnh báo về những hiểm họa thuộc linh cho những người bạn hết mực yêu thương dễ hay khó? Làm thế nào bạn có thể tìm kiếm nguồn trợ giúp cho việc này?
* Tác giả: TS. Kari Vo
* Người dịch: Globalinks Team
—