SỨC MẠNH CỦA TÌNH YÊU THƯƠNG
* Rô-ma 13:8-10 “Đừng mắc nợ ai chi hết, chỉ mắc nợ về sự yêu thương nhau mà thôi, vì ai yêu kẻ lân cận mình ấy là đã làm trọn luật pháp. Vả, những điều răn nầy: Ngươi chớ phạm tội tà dâm, chớ giết người, chớ trộm cướp, chớ tham lam, và mọi điều răn khác nữa, bất luận điều nào, đều tóm lại trong một lời nầy: Ngươi phải yêu kẻ lân cận mình như mình. Sự yêu thương chẳng hề làm hại kẻ lân cận; vậy yêu thương là sự làm trọn luật pháp”.
“Ngươi phải yêu kẻ lân cận mình như mình”. Thành thật mà nói, tôi chưa bao giờ quá quan tâm đến lời khuyên này. Có vẻ như để vâng giữ điều răn này tôi phải luôn bỏ qua những sai phạm của người khác. Nhưng hoá ra, đó lại là những điều mà tôi đang làm cho chính mình (và đó là một trọng trách lớn lao). Nếu có ai nhận được ích lợi của việc nghi ngờ thì đó chính là tôi. Nếu ai đó được bào chữa vì đã phản ứng thái quá, thì một lần nữa, đó cũng chính là tôi. Chính vì tôi biết rằng đôi khi tôi có thể trở thành một khẩu súng lục – quá thẳng thắn, thiếu lòng trắc ẩn, hay chỉ trích, nhẫn tâm và tự phục vụ – nhưng này, đó chính là tôi. Nhưng tôi có thể tự giải quyết những điều này.
Nhưng Phao-lô không chỉ khuyên chúng ta phải phớt lờ những sai phạm của những người lân cận mà còn phải hết lòng yêu thương và quan tâm đến họ – như chúng ta làm cho chính mình. Liệu họ có đang gặp khó khăn không? Chúng ta có thể giúp được gì không? Họ có đang vật lộn với những nan đề cá nhân không? Làm thế nào chúng ta có thể hỗ trợ và bày tỏ sự quan tâm của mình đối với họ? Theo Phao-lô, thực hành những việc này mới thực sự là điều mà Luật pháp hướng đến. Nó giống như “làm trọn luật pháp” theo ý nghĩa ban đầu của nó.
Tất nhiên, Chúa Giê-xu là một Người Thầy trong lĩnh vực này. Khi Ngài đến thế gian này, một Đức Chúa Trời trong xác thịt, Ngài yêu thương những người lân cận ở bất cứ đâu Ngài tìm thấy họ. Dù họ là người Do Thái hay người ngoại, người Sa-ma-ri, người La Mã, người Hy Lạp, hay bất kỳ tội nhân nào khác, Ngài bày tỏ lòng trắc ẩn của Ngài; Ngài yêu thương họ; Ngài đến thế gian vì họ. Chính vì vậy, Ngài đã nêu ra một tấm gương trọn vẹn để chúng ta noi theo.
Nhưng ngay cả khi chúng ta cần có một tấm gương để noi theo thì chúng ta cần nhiều điều hơn nữa từ Chúa Giê-xu. Bởi vì dù chúng ta có yêu thương người khác nhiều đến nhường nào đi nữa thì những việc lành của chúng ta đối với những người xung quanh vẫn không thể nào đáp ứng được yêu cầu chính đáng của Luật pháp đối với chúng ta. Sứ đồ Phao-lô hiểu quá rõ điều này. Ông đã dành nhiều năm nỗ lực để đạt đến sự công chính trước mặt Đức Chúa Trời dựa trên Luật pháp. Và ông nhận ra việc này là vô ích. Vì xác thịt là hay hư nát và chúng ta không thể nào tự phục hồi. Đức Chúa Trời cần can thiệp, và Ngài đã hành động qua Chúa Giê-xu.
“Vì điều chi luật pháp không làm nổi, tại xác thịt làm cho luật pháp ra yếu đuối, thì Đức Chúa Trời đã làm rồi: Ngài đã vì cớ tội lỗi sai chính Con mình lấy xác thịt giống như xác thịt tội lỗi chúng ta, và đã đoán phạt tội lỗi trong xác thịt, hầu cho sự công bình mà luật pháp buộc phải làm được trọn trong chúng ta, là kẻ chẳng noi theo xác thịt, nhưng noi theo Thánh Linh” (Rô-ma 8:3-4).
Bạn thấy đấy, Luật pháp được ứng nghiệm cho những ai tin cậy. Chúng ta được trở nên trọn vẹn nhờ sự sống, sự chịu chết và sự phục sinh của Chúa Giê-xu. Giờ đây, bởi sự đổ đầy Thánh Linh của Đức Chúa Trời, ước mong chúng ta cũng yêu thương người lân cận như Chúa Giê-xu đã yêu chúng ta.
* LỜI CẦU NGUYỆN: Lạy Cha Thiên Thượng, nhờ quyền năng của Thánh Linh Ngài trong đời sống, xin cho chúng con biết yêu thương người khác bằng một tình yêu vị tha. Trong danh Chúa Giê-xu. A-men!
* Câu hỏi suy ngẫm:
1. Nhìn chung, yêu thương (hay nghĩ tốt về) người khác khiến bạn cảm thấy khó như thế nào?
2. Những quy tắc trong Luật pháp Đức Chúa Trời được “làm đầy trọn” bởi tình yêu thương như thế nào?
3. Thái độ và hành động của bạn đối với người lân cận có thể thay đổi như thế nào khi bạn yêu thương họ như yêu chính mình?
* Tác giả: Paul Schreiber
* Người dịch: Globalinks Team
—