KHOẢN NỢ THẬT SỰ
* Ma-thi-ơ 18:21-35 “Phi-e-rơ bèn đến gần Đức Chúa Giê-xu mà hỏi rằng: Thưa Chúa, nếu anh em tôi phạm tội cùng tôi, thì sẽ tha cho họ mấy lần? Có phải đến bảy lần chăng? Ngài đáp rằng: Ta không nói cùng ngươi rằng đến bảy lần đâu, nhưng đến bảy mươi lần bảy. Vậy nên, nước thiên đàng giống như vua kia, muốn tính sổ với các đầy tớ mình. Khi vua khởi soát sổ, thì có người đem nộp một tên kia mắc nợ vua một vạn ta-lâng. Bởi vì người chẳng có gì mà trả, thì chủ dạy bán người, vợ con và gia tài người, đặng trả nợ. Kẻ đầy tớ nầy bèn sấp mình xuống nơi chân chủ mà xin rằng: Thưa chủ, xin giãn cho tôi, thì tôi sẽ trả hết! Chủ bèn động lòng thương xót, thả người về, và tha nợ cho. Nhưng khi đầy tớ đó ra về, gặp một người trong bạn làm việc, có thiếu mình một trăm đơ-ni-ê, thì nắm bóp cổ bạn mà nói rằng: Hãy trả nợ cho ta! Người bạn sấp mình xuống mà nài xin rằng: Xin giãn cho tôi, thì tôi sẽ trả cho anh. Song người chẳng khứng, cứ việc bắt bỏ tù cho đến khi trả hết nợ. Các bạn thấy vậy, buồn lắm, đến thuật lại cùng chủ mình mọi điều đã xảy ra. Chủ bèn đòi đầy tớ ấy đến mà nói rằng: Hỡi đầy tớ độc ác kia, ta đã tha hết nợ cho ngươi, vì ngươi cầu xin ta; ngươi há lại chẳng nên thương xót bạn làm việc ngươi như ta đã thương xót ngươi sao? Chủ nổi giận, phú nó cho kẻ giữ ngục cho đến khi nào trả xong hết nợ. Nếu mỗi người trong các ngươi không hết lòng tha lỗi cho anh em mình, thì Cha ta ở trên trời cũng sẽ xử với các ngươi như vậy.”
Tôi đã nghe ẩn dụ này rất nhiều lần trong suốt nhiều năm, và một khía cạnh luôn luôn nổi bật đó là sự khác biệt rất lớn giữa hai khoản nợ. Vì vậy, bài học mà chúng ta rút ra thường là, “Hãy nhìn xem, Đức Chúa Trời quảng đại biết bao nhiêu. Những sai phạm mà người khác phạm phải với chúng ta là vô cùng nhỏ nhặt. Thế nên, hãy tha thứ cho họ, được không?”
Vấn đề là không phải bài học này không đúng. Nó hoàn toàn chính xác. Tuy nhiên, theo tôi nghĩ nó không thực tế lắm.
Tại sao vậy? Thử nghĩ đến những việc mà người lân cận đã cư xử với tôi thật quá đáng và tổn hại đến tôi – khiến tôi đau buồn và phiền muộn quá nhiều. Tôi không thể nói với họ rằng, “Ồ, chẳng sao cả, không có gì đâu, mình sẽ quên nó ngay”. Đó thật sự là vấn đề.
Chúa Giê-xu nhận ra vấn đề này. Trong ẩn dụ trên, Ngài đề cập đến số tiền mà người đầy tớ thứ hai đã mắc nợ – một trăm đơ-ni-ê. Đó không phải là năm mươi xu hay một vài đô la. Nó tương đương với bốn tháng tiền công của một trong những đầy tớ đó thời ấy. Theo thuật ngữ hiện đại, chúng ta đang nói về chi phí của một chiếc xe giá trị đã qua sử dụng. Và nếu có ai cư xử tệ với chúng ta cách như vậy thì đó thật sự là vấn đề, ngay cả khi tội lỗi chúng ta nghịch cùng Chúa nghiêm trọng hơn nhiều.
Vậy tại sao Chúa lại đặt ra vấn đề này? Bởi vì Chúa Giê-xu không bắt buộc chúng ta phải giả vờ rằng những tổn thương và thiệt hại của chúng ta không hề lớn – chúng chắc chắn rất nghiêm trọng. Nhưng sự khác biệt chính là điều mà Ngài nhắc nhở chúng ta phải làm. Chúng ta cần phải đối mặt với nỗi đau và tổn thương mà người khác đã gây ra cho mình – đúng hơn là chúng ta phải thừa nhận rằng lỗi lầm này thật rất nghiêm trọng chứ không phải xem nhẹ nó – nhưng nhờ ơn của Đức Chúa Trời, dù sao chúng ta cũng có thể bỏ qua nó. Đó là sự tha thứ thực sự, đáng quý nhưng cũng đầy thách thức.
Ai có thể làm được điều này? Chỉ những ai sống trong sự hiện diện của Chúa Giê-xu, để Ngài hành động bên trong tấm lòng mình. Rốt cuộc, Ngài đã tha thứ tất cả mọi tội lỗi và món nợ của chúng ta đối với Đức Chúa Trời, Ngài biết rõ chính xác cái giá phải trả. Nó khiến Ngài phải trả bằng sự hy sinh của chính mình trên thập tự giá. Chúa Giê-xu là Người Thầy vĩ đại về ơn tha thứ giữa những thách thức. Và nếu chúng ta trao phó mọi nỗi đau hay lo lắng của mình cho Ngài thì Ngài có thể hành động để ban ơn tha thứ diệu kỳ trong cuộc sống và các mối quan hệ của chúng ta. Có thể sẽ mất nhiều thời gian và rất nhiều những nỗi đau nhưng Chúa có thể chữa lành cho chúng ta, và bày tỏ ơn thương xót với người khác.
* LỜI CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, xin Ngài giúp con khi con dường như không thể tha thứ cho người khác. A-men.
* Câu hỏi suy ngẫm:
1. Có ai đó đã bày tỏ lòng thương xót với bạn không? Đó là khi nào?
2. Sự khác biệt giữa việc tha thứ và bỏ qua hay bào chữa là gì?
3. Bạn có đang phải tranh đấu để tha thứ cho ai đó không? Hãy cầu xin Chúa giúp đỡ mình.
* Tác giả: TS. Kari Vo
* Người dịch: Globalinks Team
—