“TRONG NHỮNG KẺ CÓ TỘI, CON LÀ ĐẦU”
“Trong những kẻ có tội đó, con là đầu. Nhưng Giê-xu nay tuôn huyết vì con. Chịu chết để ban cho con sự sống vĩnh hằng; bởi sự sống lại của Ngài, con không chết đời đời. Như nhánh nho gắn vào gốc nho, con thuộc riêng Ngài và Ngài thuộc về con.
Ôi tình yêu Giê-xu cao vời, cao hơn các từng trời, sâu thẳm hơn đại dương, Ngài hằng còn mãi mãi! Kỳ diệu thay, tình yêu ấy lại tìm cứu con! Cứu chuộc con khi con không tìm kiếm Ngài.”
Trong bức thư đầu tiên gửi cho Ti-mô-thê, sứ đồ Phao-lô tự gọi mình là “kẻ làm đầu” trong các tội nhân. Trong bài thánh ca trên, đó cũng chính là tên gọi mà chúng ta tự xưng cho chính mình. Sứ đồ Phao-lô giải thích, bởi vì ông đã nhận lãnh quá nhiều ơn thương xót trong cuộc đời mình nên, “hầu cho Đức Chúa Giê-xu Christ tỏ mọi sự nhịn nhục của Ngài ra trong ta là kẻ làm đầu, để dùng ta làm gương cho những kẻ sẽ tin Ngài được sự sống đời đời” (I Ti-mô-thê 1:16b). Kinh nghiệm của Phao-lô cho chúng ta thấy được tình yêu cao cả của Cứu Chúa Giê-xu, Ngài không chỉ tha thứ cho một người Pha-ri-si đã từng bách hại Hội Thánh dữ dội, mà còn kêu gọi ông vào công cuộc rao giảng Tin Lành.
Sau-lơ, về sau được đổi tên thành Phao-lô, đã từng chối bỏ Chúa Giê-xu là Đấng Mê-si và đồng thuận trong việc ném đá chấp sự Ê-tiên, Cơ Đốc Nhân tử đạo đầu tiên. Nhưng khi ông đang trên đường đến Đa-mách để bách hại thêm nhiều những tín hữu khác, hay còn gọi là những Cơ Đốc Nhân lúc bấy giờ, thì Chúa Giê-xu đã hiện ra cùng ông. Đấng chí cao và phục sinh đã hỏi người Pha-ri-si hung bạo và cứng lòng rằng, “Hỡi Sau-lơ, Sau-lơ, sao ngươi bắt bớ ta?” (Công vụ 9:4b) Đức Chúa Trời hoàn toàn có thể chấm dứt sự sống của Phao-lô ngay lúc đó, nhưng thay vì vậy, Ngài đã sửa soạn Lễ Báp-tem cho vị sứ đồ mới nhất của Ngài! Qua Lễ Báp-tem, sứ đồ Phao-lô – “kẻ làm đầu trong những tội nhân” đã trở thành một nhánh trong Gốc Nho của Y-sơ-ra-ên, là chính Chúa Giê-xu – Đấng Mê-si. Phao-lô biết rõ rằng thật quá đỗi “kỳ diệu” khi chính tình yêu Ngài đã tìm cứu ông cho dù ông không hề tìm kiếm nó.
Chúng ta không thể chỉ quan sát trải nghiệm của sứ đồ Phao-lô và đứng lùi về sau với một khoảng cách an toàn. Thật đáng buồn nhưng mỗi người trong chúng ta đều có thể được mô tả chính xác rằng, “trong những kẻ có tội đó, con là đầu”. Chúng ta có bắt bớ anh em cùng đức tin với mình không? Có lẽ là không, nhưng không phải lúc nào ta cũng là những chứng nhân trung thành với Tin Mừng mà lẽ ra chúng ta nên có. Chúng ta đã từng tán thành việc giết hại các tín đồ theo Đạo chưa? Không, nhưng chúng ta cũng bị kết tội theo lời của sứ đồ Giăng, “Ai ghét anh em mình, là kẻ giết người” (I Giăng 3:15a). Mặc dù chúng ta không xứng đáng với tình yêu của Ngài, nhưng chắc chắn rằng Chúa Giê-xu đã tìm kiếm chúng ta giống như Ngài đã tìm cứu Phao-lô. Chúng ta được nhìn thấy Ngài, không phải qua một luồng sáng đến lòa mắt, nhưng bởi sự vinh hiển của Lời Phúc Âm. Tình yêu thương của Đấng Cứu Thế đã tìm cứu chúng ta ngay cả khi ta không tìm kiếm Ngài.
Chúa Giê-xu đến thế gian để tìm và cứu những kẻ bị hư mất. Ngài đến để chết thay cho những con người tội lỗi, để tự mình gánh lấy sự phán xét thiên thượng mà lẽ ra mọi tội nhân đáng phải chịu. Nhưng Đấng Cứu Thế đã sống lại, đắc thắng tội lỗi, sự chết và Sa-tan để công bố chúng ta thuộc về Ngài. Bởi thánh lễ Báp-tem, chúng ta được kết hiệp với Ngài như “nhánh nho gắn vào gốc nho”. Nhờ sự hiệp một với Đức Chúa Trời và với nhau bởi năng quyền của Đức Thánh Linh, chúng ta được sống động, lớn lên, phát triển và kết quả trong tình yêu thương và mọi điều lành vì sự vinh hiển của Ngài. Tất cả những điều này thuộc về chúng ta nhờ tình yêu thương vô lượng vô biên của Đức Chúa Trời – “cao hơn các từng trời và sâu thẳm hơn đại dương” vì chính Ngài đã tìm cứu chúng ta ngay cả khi chúng ta không hề tìm kiếm Ngài. Thật kỳ diệu thay!
* LỜI CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa Giêxu, xin tha thứ mọi tội lỗi chúng con và dùng chúng con trong công việc nhà Ngài. Xin hãy giúp chúng con trở thành những chứng nhân trung thành bởi Thánh Linh Ngài. A-men!
* Câu hỏi suy ngẫm:
1. Bạn có được kêu gọi để chia sẻ Phúc Âm cho những người khác không? Bạn nhận ra sự kêu gọi này trong thời điểm nào?
2. Đức Chúa Trời tìm kiếm chúng ta để khiến chúng ta trở nên những con cái của Ngài bằng cách nào?
3. Câu chuyện Kinh Thánh nào đem lại cho bạn sự khích lệ nhất trong những lúc bạn nhận biết về tội lỗi của mình cách rõ ràng nhất?
* Tác giả: TS. Carol Geisler
* Người dịch: Globalinks Team
—