CON DAO MỔ
Kinh Thánh nền tảng: Vì lời của Đức Chúa Trời là lời sống động và linh nghiệm, sắc hơn gươm hai lưỡi, xuyên thấu đến nỗi phân chia hồn với linh, khớp với tủy, phán đoán các tư tưởng và ý định trong lòng. Chẳng loài thọ tạo nào có thể che giấu được trước mặt Chúa, nhưng tất cả đều trần trụi và phơi bày trước mắt Đấng mà chúng ta phải khai trình.” (Hê-bơ-rơ 4:12-13)
Tôi không biết bạn cảm thấy như thế nào, nhưng những vật sắc nhọn thường mang lại cho tôi cảm giác ớn lạnh. Tất cả đều giống nhau: dù đó là gươm, dao cắt gọt hay dao mổ. Tôi có thể hình dung ra được vì tất cả những thứ này đều quá sống động, cách mà chúng có thể xuyên thấu và phân chia thịt, khớp, gân như thế nào. Vì tôi đã quá hiểu rõ cảm giác này. Do đó, đây không phải là hình ảnh so sánh yêu thích của tôi đối với Lời Đức Chúa Trời!
Tôi cũng chẳng mấy thiện cảm với ý tưởng “trần trụi và phơi bày”. Nó khiến tôi cảm thấy mình bất lực, xấu hổ và sợ hãi. Tôi thà vẫn mặc quần áo của mình thì hơn!
Tuy nhiên, có những thời điểm mà khi sự trần trụi và sự phơi bày là điều tất yếu, nghĩa là một thanh gươm sắc bén hay nói đúng hơn là một con dao mổ lại vô cùng cần thiết. Đó là khi cần một cuộc phẫu thuật để cứu sống mạng người. Các bác sĩ không thể nào thực hiện trên những thứ mình không nhìn thấy được. Rõ ràng khi đó cần là sự trần trụi. Rồi khi nói đến dao mổ thì càng sắc bén càng tốt. Chúng được dùng để tạo ra vết đứt, thế nhưng cũng được dùng để cắt bỏ những tế bào ung thư hay bị nhiễm trùng mà có thể lấy đi tính mạng của một người. Hơn nữa, vết thương do dao mổ quá sắc sẽ càng nhanh lành hơn vết thương do bị dao cùn cắt trên da thịt.
Trong đời sống Cơ-đốc nhân, đôi khi Đức Chúa Trời sẽ phải phẫu thuật tấm lòng của chúng ta, nghĩa là cắt bỏ một số thói quen xấu, những tham muốn, hay những lối suy nghĩ có thể khiến chúng ta bị hư mất. Chính vì vậy, chúng ta cảm thấy mình trần trụi trước mặt Ngài; còn khi nói đến tâm linh, điều đó có nghĩa là chúng ta phải xưng nhận tội lỗi của mình, cố gắng loại bỏ nó và biết chắc rằng Ngài luôn mong muốn điều tốt nhất cho chúng ta. Và chúng ta hãy thuận phục trước con dao mổ của Ngài, hãy tin chắc rằng Đức Chúa Trời khiến chúng ta đau là để chữa lành cho chúng ta, rồi cuối cùng chúng ta sẽ gặt hái sự vui mừng qua việc đó.
Những thời điểm như thế thật chẳng vui vẻ chút nào. Tuy nhiên, tôi luôn ghi nhớ rằng chính Đức Chúa Trời đã gánh thay chúng ta điều tồi tệ nhất qua Cứu Chúa Giê-xu, đó là khi Ngài đã bị treo trên cây thập-tự giá để mang lấy gánh nặng tội lỗi của toàn thể nhân loại. Hiểu được tình yêu thương của Ngài giúp tôi dễ dàng chịu đựng những tổn thương một cách nhẹ nhàng hơn trong vai trò là một môn đồ Cơ-đốc. Và việc ghi nhớ sự phục sinh của Ngài cũng giúp tôi vui thoả ngay trong cơn đau đớn vì tôi biết chắc rằng Đức Chúa Trời sẽ đem đến cho tất cả chúng ta, là dân thuộc về Ngài, niềm vui thoả và phước hạnh đời đời trong Vương quốc của Ngài.
* LỜI CẦU NGUYỆN: Kính lạy Cha, xin giúp con vượt qua những lúc đau buồn và xin Lời Cha chữa lành cho con. A-men.
* Câu hỏi suy gẫm:
1. Bạn đã từng trải qua cuộc phẫu thuật nào chưa?
2. Nếu có, bạn cảm thấy như thế nào trong thời điểm đó? Và trong hiện tại?
3. Đức Chúa Trời đã thực hiện cuộc phẫu thuật trên một số lĩnh vực cụ thể trong đời sống bạn bằng Lời của Ngài trong những trường hợp nào?
* Tác giả: TS. Kari Vo
* Người dịch: Globalinks Team
—
—
Nếu bạn muốn tìm hiểu thêm về tình yêu cứu chuộc của Chúa Giê-xu hoặc cần được tư vấn về niềm tin, đừng ngần ngại tìm đến nhà thờ Tin Lành gần nhất.
Hoặc liên hệ với chúng tôi ngay hôm nay bằng cách để lại bình luận trực tiếp trên bài viết, nhắn tin trên Zalo qua số điện thoại: 0983117411