SỰ PHONG PHÚ VÔ HẠN CỦA ĐẤNG CHRIST
Kinh Thánh: “Tôi được trở nên người phục vụ Tin Lành bởi quà tặng ân điển của Đức Chúa Trời ban cho tôi qua sự vận hành của quyền năng Ngài. Dù tôi là người hèn mọn nhất trong tất cả các thánh đồ, ân điển ấy cũng được ban cho tôi để rao giảng cho dân ngoại sự phong phú vô hạn của Đấng Christ, và bày tỏ cho mọi người thấy kế hoạch mầu nhiệm đã được giữ kín qua các thời đại trong Đức Chúa Trời, Đấng tạo dựng muôn vật.” (Ê-phê-sô 3:7-9)
Hãy để ý đến sự khiêm nhường mà sứ-đồ Phao-lô nhắc đến lời hứa này khi ông tự gọi mình là “người hèn mọn nhất trong tất cả các thánh đồ”. Khi chúng ta nhìn vào cuộc đời hy sinh quên mình của Phao-lô dành cho Đấng Cứu Thế, chúng ta dễ nghĩ rằng ông là vĩ đại nhất trong các sứ-đồ. Thế nhưng, Phao-lô luôn nhớ rằng trước khi tiếp nhận Đấng Christ, ông đã từng bắt bớ Hội Thánh, chế giễu Đấng Cứu Chuộc mình; và giờ đây, khi đã ý thức sâu sắc về tội lỗi của mình, ông khẳng định rằng ông là “người hèn mọn nhất” trong những anh em cùng đức tin.
Ôi! Ước gì Đức Chúa Trời khiến chúng ta cũng trở nên những người khiêm nhường và biết hối cải như vậy! Dù chúng ta bị thúc đẩy bởi vô số tiếng nói từ mọi phía để luôn đề cao chính mình, nhưng hãy học cách từ chối bất cứ sự thôi thúc nào khiến chúng ta tự ca ngợi chính mình. Thay vào đó, hãy nhớ đến Chúa Jêsus Christ, là Con của Đức Chúa Trời Toàn Năng, Đấng đã sẵn sàng quỳ xuống để rửa chân cho các môn đồ của Ngài. Hãy suy nghĩ về chính Ngài, Đấng đã kiên định bằng lòng bước lên thập tự giá chịu khổ hình vì cớ bạn và tôi. Ngài đã bị xem là một kẻ bị ruồng bỏ, Chúa Jêsus đã “bị người ta khinh rẻ và chối bỏ” (Ê-sai 53:3a). Ngài đã gánh chịu điều này vì cớ chúng ta, và vì thế chúng ta cũng hãy áp dụng để yêu thương nhau như Ngài đã yêu chúng ta trước. (xem I Giăng 4:19)
Và khi sống động trong Đấng Christ, chúng ta cũng công bố về chính Ngài. Sứ đồ Phao-lô đã nói với người Ê-phê-sô về “ân điển” đã được ban cho ông để rao giảng về “sự phong phú vô hạn của Đấng Christ, và bày tỏ cho mọi người thấy kế hoạch mầu nhiệm đã được giữ kín qua các thời đại trong Đức Chúa Trời”. Hãy suy nghĩ về điều này: Cơ-đốc giáo phải chăng là một tôn giáo của sự giàu có? Đúng vậy, nhưng không phải là sự giàu có mà thế gian đang theo đuổi. Một lần nữa, thế gian hoàn toàn trái ngược với niềm tin Cơ-đốc. Những gì chúng ta sở hữu trong Đấng Christ vượt xa sự phù phiếm chóng qua của đời này.
Kho báu của Đức Chúa Trời đã được ban cho chúng ta qua chính Con Một Ngài. Giá trị vô hạn của việc nhận biết Chúa Jêsus là Đấng Cứu Thế của chúng ta, là sự phong phú vô lượng của sự cứu chuộc và sự phục sinh của Ngài, là giá trị không sao đo lường của lẽ thật và sự đắc thắng của Ngài trước tội lỗi, là tài sản vô giá khi giờ đây chúng ta nhận được sự bình an với Đấng Toàn Năng, sự bình an với đồng loại, và sự bình an với lương tâm mình. Tất cả những điều này nói lên ân điển vô lượng vô biên của Đức Chúa Trời, sự phong phú trong ơn chăm sóc kỳ diệu của Ngài, và là chiếc vương miện quý giá của sự cứu rỗi chúng ta. Tất cả đã được chuộc mua cho bạn và cho tôi tại đồi Gô-gô-tha và được niêm phong bằng chiến thắng của sự phục sinh của Chúa Cứu Thế Jêsus chúng ta.
* LỜI CẦU NGUYỆN: Kính lạy Cha Thiên Thượng, xin dạy chúng con biết trân quý sự cứu rỗi lớn lao mà Ngài đã ban cho chúng con cách nhưng không. Nhân danh Chúa Jêsus Christ. A-men.
* Câu hỏi suy gẫm:
1. Việc có nhiều tiền có thể trở thành rào cản trong việc bạn tin cậy nơi Chúa không?
2. Tại sao Phao-lô, một người Do Thái, lại lấy người ngoại (không phải người Do Thái) làm trọng tâm của sứ mạng rao giảng Phúc Âm?
3. Giá trị của việc nhận biết Chúa Jêsus là Đấng Cứu Thế của mình so với sự giàu có của thế gian như thế nào?
* Tác giả: MS.TS. Walter A. Maier
* Chuyển ngữ: Globalinks Team
—
—
Nếu bạn muốn tìm hiểu thêm về tình yêu cứu chuộc của Chúa Jêsus hoặc cần được tư vấn về niềm tin, đừng ngần ngại tìm đến nhà thờ Tin Lành gần nhất.
Hoặc liên hệ với chúng tôi ngay hôm nay bằng cách để lại bình luận trực tiếp trên bài viết, nhắn tin trên Zalo qua số điện thoại: 0983117411
Website: www.globalinks.vn