QUAN TÂM LẪN NHAU
Kinh Thánh nền tảng: “Thưa anh em, hãy cẩn trọng, kẻo ai trong anh em có lòng dữ và chẳng tin mà xây bỏ Đức Chúa Trời hằng sống chăng. Nhưng hằng ngày anh em hãy khuyên bảo nhau, đang khi còn gọi là “ngày nay,” để không một ai trong anh em bị tội lỗi lừa dối mà cứng lòng. Vì nếu chúng ta cứ giữ vững lòng tin quyết ban đầu của mình cho đến cuối cùng thì chúng ta được dự phần với Đấng Christ.” (Hê-bơ-rơ 3:12-14)
Có bao giờ bạn nhắc nhở ai đó vì họ đã quên một việc quan trọng hoặc tế nhị nào đó của họ chưa? Nếu có, bạn sẽ hiểu được việc này khó xử đến mức nào. Chẳng ai muốn trở thành một người nói những chuyện có thể làm cho người khác ngượng ngùng. Hãy hình dung xem nếu như chúng ta gặp phải tình huống đó thì chúng ta sẽ hổ thẹn ra sao.
Tuy nhiên, nếu bạn là người đang gặp rắc rối thì chẳng phải bạn vô cùng biết ơn người đã nhắc nhở bạn sao, nhờ đó, bạn mới có thể điều chỉnh lại? Chẳng phải bạn đã rất bực bội những người đã nhìn thấy bạn cả ngày với vết rách trên quần nhưng lại không chịu nhắc nhở để bạn chỉnh sửa sao?
Tương tự như vậy, trước giả của sách Hê-bơ-rơ khuyên chúng ta phải biết quan tâm lẫn nhau. Tất cả chúng ta đều có khả năng sa vào tội lỗi. Ông nhắc nhở chúng ta rằng tội lỗi là lừa dối. Nó khiến chúng ta vấp ngã lúc nào mà thậm chí chính chúng ta không hề biết. Có thể cuộc sống vui vẻ của chúng ta vẫn đang tiếp diễn mà chúng ta không hề nhận ra rằng mình đã quen với khuôn mẫu đáng lo ngại về việc buôn chuyện, oán giận hay nghiện ngập. Thậm chí, có thể chúng ta tự cho mình là đúng trong mọi việc, mà lại nhầm lẫn đó là việc vô hại hay thậm chí là điều tốt đẹp. Đó là lúc chúng ta cần một anh em Cơ-đốc nhân dễ mến nhẹ nhàng nói ra sự thật cho mình (hoặc nhắc nhở mình).
Tại sao phải làm việc này? Bởi vì “chúng ta được dự phần với Đấng Christ” với nhau. Chúng ta được hiệp lại trong Đấng Christ. Nếu anh em của tôi phạm tội, thì việc này sẽ gây tổn hại đến mọi người, nghĩa là đến toàn thân trong Christ. Thật sai trật khi nghĩ rằng “À, anh ấy chẳng làm tổn hại đến ai cả ngoài chính mình”. Mà sẽ đúng hơn khi cho rằng, “Anh ấy đang làm tổn thương chính mình thế nên, anh ấy cũng đang làm người khác tổn hại nữa”. Nếu chúng ta yêu thương lẫn nhau thì chúng ta không thể phớt lờ những tội lỗi xấu xa nghiêm trọng có thể lôi kéo người đó lìa xa khỏi Chúa Giê-xu.
Nhưng làm cách nào chúng ta có thể hoàn thành trách nhiệm khá thách thức này? Phao-lô nhắc nhở chúng ta rằng: “Thưa anh em, nếu có người nào vô tình phạm lỗi, thì anh em là người thuộc linh, hãy lấy tinh thần khiêm nhu mà sửa đổi họ. Anh em phải thận trọng, kẻo chính mình cũng bị cám dỗ” (Ga-la-ti 6:1). Chúng ta không dám tự cho mình là đúng vì xét cho cùng, có thể lần sau chúng ta sẽ mắc phải sai phạm đó. Tất nhiên chúng ta muốn lấy tinh thần khiêm nhu mà sửa đổi người khác cũng như chúng ta cũng hy vọng người khác sẽ cư xử như vậy với mình như chính Chúa Giê-xu Christ đã làm như vậy chúng ta. Vì chẳng có ai mà không phạm tội bao giờ.
Chúng ta có thể nhìn vào Chúa Giê-xu để noi gương. Khi Ngài đối phó với tội lỗi trong vòng dân sự thì Ngài đã không hề phớt lờ. Ngài không gạt bỏ nó, hay vờ như chẳng có gì nghiêm trọng. Nhưng Ngài biết rõ. Ngài hiểu rằng chính Ngài sẽ gánh thay chúng ta mọi đau đớn, trải qua sự chết và sự phục sinh để giải cứu chúng ta ra khỏi tình trạng hỗn loạn này, để đưa chúng ta trở lại cùng với Đức Chúa Trời, được thánh sạch và trở nên mới trong Ngài. Vì Ngài yêu thương chúng ta. Thế nên, đó chính xác là việc Ngài đã làm cho chúng ta.
Nhưng sau khi đã làm tất cả những điều đó cho chúng ta, hãy để ý những việc Chúa Giê-xu không hề làm. Ngài không la mắng chúng ta rồi phán, “Con phải biết ơn!” Ngài cũng không trách phạt chúng ta mà chất vấn “Tại sao con cứ mãi vi phạm cùng một lỗi hết lần này đến lần khác?” Nhưng không, hiện tại cũng như sau này, Ngài vẫn luôn yêu thương chúng ta. Ngài đón nhận chúng ta, thanh tẩy chúng ta và ôm lấy chúng ta vào lòng. Ngài kiên nhẫn chịu đựng chúng ta. Bởi Đức Thánh Linh của Ngài đang sống động trong chúng ta nên chúng ta cũng có thể làm điều tương tự với anh em của mình.
* LỜI CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, Ngài đã yêu thương, sửa trị và giải cứu con. Nguyện xin Ngài luôn sống động trong con để con biết quan tâm đúng mực đến anh em của mình, không làm tổn thương cũng như không phớt lờ nhu cầu của họ. A-men.
* Câu hỏi suy gẫm:
1. Dù là vấn đề rắc rối nhỏ hay nghiêm trọng, có người nào đã chỉ ra cho bạn biết và bạn cảm thấy biết ơn họ chưa?
2. Thời điểm nào Chúa đã dùng ai đó để kéo bạn đến gần Ngài hơn?
* Tác giả: TS. Kari Vo
* Người dịch: Globalinks Team
—
—
Nếu bạn muốn tìm hiểu thêm về tình yêu cứu chuộc của Chúa Giê-xu hoặc cần được tư vấn về niềm tin, đừng ngần ngại tìm đến nhà thờ Tin Lành gần nhất.
Hoặc liên hệ với chúng tôi ngay hôm nay bằng cách để lại bình luận trực tiếp trên bài viết, nhắn tin trên Zalo qua số điện thoại: 0983117411