ĐẤNG ĐẦY QUYỀN NĂNG
Kinh Thánh nền tảng: “Lạy Đức Giê-hô-va, sóng biển nổi lên, đại dương gầm thét; biển cả trỗi tiếng ầm ầm. Đức Giê-hô-va ngự trên cao, đầy quyền năng, mạnh hơn tiếng gầm thét của các dòng nước lớn, hơn biển cả ba đào.” (Thi-thiên 93:3-4)
Chúng ta hiểu rõ sức mạnh của biển cả hay đại dương khi dậy sóng. Các con sông lớn chảy vào kênh đập sẽ tạo ra điện năng thắp sáng các nhà cửa, những cơ sở sản xuất hay cấp nước cho việc tưới tiêu hoặc sinh hoạt. Mưa làm cho đất đai xanh tốt, nhưng biển cả và đại dương thét gào cùng với sức mạnh hủy diệt có thể phá hủy nhiều nhà cửa, tài sản và cả tính mạng con người. Trước giả Thi-thiên biết rõ sức mạnh của dòng nước nổi sóng ầm ầm nhưng ông vẫn luôn vui mừng trong Chúa là Đấng quyền năng hơn cả đại dương gầm thét hay biển cả, ba đào.
Đại dương và biển cả có thể trổi tiếng gầm thét nhưng chính Đức Chúa Trời mới là Đấng đã sáng tạo và ra lệnh cho chúng. Ngài thiết lập ranh giới của các đại dương, truyền cho chúng rằng “Ngươi chỉ đến đây thôi, không đi xa hơn nữa, các đợt sóng ngạo nghễ của ngươi phải dừng tại nơi nầy!” (Gióp 38:11). Khi dân Y-sơ-ra-ên bị mắc kẹt trên Biển Đỏ hay khi họ tiến đến sông Giô-đanh lúc tràn bờ thì Đức Chúa Trời đã khiến cho dòng nước ngừng chảy. Cho dù là biển cả hay dòng sông thì cũng ngừng chảy và dồn lại thành một khối để dân sự đi qua cách an toàn như đi trên đất khô. Cũng vậy, trong thời gian thi hành chức vụ của Chúa Giê-xu trên đất, Con Đức Chúa Trời đã truyền lệnh cho biển cả ngừng nổi sóng và bão tố phải yên lặng.
Đức Chúa Trời truyền lệnh không chỉ cho những biển cả đang gầm thét mà còn cho cả các dòng nước hiền hòa. Ngài khiến mưa sa xuống để mùa màng phát triển và các dòng suối dâng trào. Đấng Sáng Tạo “khiến các suối phun ra trong thung lũng, chúng chảy giữa các núi đồi” (Thi-thiên 104:10). Ngài cũng ban cho những đồng cỏ xanh tươi với mé nước bình tịnh. Đức Chúa Trời còn cung ứng nguồn nước sống cho mọi dân trên đất với mạng lệnh từ Đấng Cứu Thế: “Vậy, hãy đi khiến muôn dân trở nên môn đồ Ta, hãy nhân danh Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con và Đức Thánh Linh làm báp-têm cho họ.” (Ma-thi-ơ 28:19)
Qua dòng nước của thánh lễ Báp-têm, chúng ta được liên hiệp với Đức Chúa Giê-xu Christ. Điều này có nghĩa là chúng ta đồng chết với Ngài, đồng chôn cùng Ngài và “cũng được sống lại với Ngài bởi đức tin nơi quyền năng của Đức Chúa Trời, Đấng đã khiến Ngài sống lại từ cõi chết” (Cô-lô-se 2:12b). Tội lỗi của chúng ta được tẩy sạch, chúng ta được sống lại, được tái sinh theo Lời của Chúa. Chúng ta đã nhìn thấy đại dương nổi sóng, biển cả “trỗi tiếng ầm ầm” khiến nước dâng lên khỏi quỹ đạo vốn có của nó. Tại hồ Báp-têm, chúng ta được liên hiệp với Chúa Giê-xu, Đấng đắc thắng mọi sự của chúng ta, là Đấng đã bởi sự chết và sự phục sinh của Ngài đã chiến thắng quyền lực của tội lỗi, sự chết và Sa-tan. Chúng ta được liên hiệp với Chúa Cứu Thế và “nhờ Đấng yêu thương mình mà toàn thắng” (Rô-ma 8:37b). Chiến thắng của Ngài là chiến thắng của chúng ta, chẳng có biển cả gầm thét hay đại dương nổi sóng “hoặc một tạo vật nào cũng không thể phân rẽ chúng ta khỏi tình yêu thương của Đức Chúa Trời trong Đấng Christ Giê-xu, Chúa chúng ta.” (Rô-ma 8:39b)
* LỜI CẦU NGUYỆN: Kính lạy Chúa Giê-xu, thật con vui mừng trong chiến thắng phục sinh vinh quang của Ngài và được liên hiệp cùng Chúa Cứu Thế qua thánh lễ Báp-têm. A-men.
* Câu hỏi suy gẫm:
1. Có bao giờ bạn chứng kiến cảnh thủy triều dâng nhanh hay lũ quét xảy ra chưa?
2. Theo bạn, tại sao nước thường được dùng để mô tả quyền năng của Đức Chúa Trời?
3. Bạn kinh nghiệm thế nào quyền năng của Chúa trên đời sống mình?
* Tác giả: TS. Carol Geisler
* Chuyển ngữ: Globalinks Team
—
—
Nếu bạn muốn tìm hiểu thêm về tình yêu cứu chuộc của Chúa Giê-xu hoặc cần được tư vấn về niềm tin, đừng ngần ngại tìm đến nhà thờ Tin Lành gần nhất.
Hoặc liên hệ với chúng tôi ngay hôm nay bằng cách để lại bình luận trực tiếp trên bài viết, nhắn tin trên Zalo qua số điện thoại: 0983117411