HẾT LÒNG
* I Giăng 3:18 “Hỡi các con cái bé mọn, chớ yêu mến bằng lời nói và lưỡi, nhưng bằng việc làm và lẽ thật.”
Một người lãnh đạo hội thánh đã liệt kê năm lý do cần thiết đối với đời sống, sự tăng trưởng và phát triển liên tục của các chi thể trong Đấng Christ.
Những lý do này chính là:
• Đó là kế hoạch của Đức Chúa Trời (Ma-thi-ơ 28:18-20).
• Có nhiều tín hữu hơn các nhân sự hay giáo phẩm giáo hội.
• Tín hữu có thể thường xuyên đến một số nơi mà các nhân sự hay giáo phẩm giáo hội không thể tham dự.
• Tín hữu sẽ là một nhân chứng đáng khen ngợi; còn các chấp sự hay mục sư thì đương nhiên được xem là những chứng nhân tốt.
• Tín hữu có thể phát triển/thăng tiến hàng ngày.
Có vẻ như những lý do này rất phù hợp với tất cả các giai đoạn của hội thánh hay đời sống Cơ đốc. Một số tín hữu nhận được ân tứ đặc biệt hết lòng “làm trọn phần việc của mình” mọi lúc mọi nơi mà không cần phải khoa trương hay nghĩ đến việc được người khác ghi nhận. Họ làm tròn trách nhiệm của mình vì họ biết chắc rằng Chúa rất yêu thương và sẽ ban phước cho mình. Sự thật là, lời Kinh Thánh trong thư Cô-lô-se 3:17 được bày tỏ qua chính đời sống họ “Mặc dầu anh em nói hay làm, cũng phải nhân danh Đức Chúa Giê-xu mà làm mọi điều, nhờ Ngài mà tạ ơn Đức Chúa Trời, là Đức Chúa Cha.”
Nếu bạn có ân tứ đặc biệt là thăm viếng thì hãy đến thăm nhiều người tại nhà riêng, hay tại bệnh viện, ở cửa hàng tạp hóa hay hội thánh. Dù ở bất cứ đâu thì bạn cũng không hề can thiệp vào việc của ai. Bạn không bao giờ tạo thêm gánh nặng cho người khác vì những nan đề của mình. Mình cũng không thăm viếng quá lâu. Chỉ quan tâm đến mọi người và biết được họ đang ở đâu trong đời sống mình.
Một ví dụ khác là cô Phước Hạnh. Ân tứ đặc biệt của cô là ơn khích lệ. Cô là người sống tích cực, chu đáo, hay giúp đỡ, cởi mở và kiên nhẫn đón nhận những ý kiến hay quan điểm của người khác về mọi thứ. Cô không hề tự cao, độc đoán, đố kỵ hay khoa trương. Cô cũng không hề uỷ mị hay né tránh vấn đề. Cô sống với đức tin khiêm nhường nhưng mạnh mẽ.
Còn ân tứ của Thiên Ân là làm chứng. Công việc của anh phải tiếp xúc với rất nhiều cuộc gọi hay những cuộc trò chuyện vô cùng tẻ nhạt với những người mà anh chưa từng gặp gỡ. Đó là một công việc không hề dễ dàng chút nào, nhưng anh đã tận dụng tối đa qua công việc của mình. Trong quá trình sự nghiệp, có lẽ anh đã chia sẻ rất nhiều thông điệp bình an và hy vọng cho hàng trăm người đang mệt mỏi và lo âu – tinh tế chia sẻ với họ về ý nghĩa của Chúa Giê-xu trong đời sống anh.
Cuối cùng, đó là Ân Điển với ân tứ phục vụ. Cô giúp đỡ mọi người mọi lúc mọi nơi bằng mọi cách có thể. Cho dù đó là việc trông trẻ, giúp chuẩn bị bữa ăn, làm việc tại cửa hàng thực phẩm địa phương hay trong các chuyến đến thăm các viện dưỡng lão, cô đều tham gia. Danh sách cầu thay của cô ngày càng dài hơn và mỗi ngày, cô đều cầu xin Chúa mở lòng để có thể yêu thương và phục vụ người khác.
Những người nam cũng như những người nữ này không phải là những tín đồ tôn giáo quá nhiệt thành hay những người luôn thích xen vào chuyện người khác hay khiến người khác cảm thấy xấu hổ bởi những việc họ đang làm. Họ chỉ làm tròn mạng lệnh Chúa giao để phục vụ người khác hết lòng. “Mỗi người trong anh em hãy lấy ơn mình đã được mà giúp lẫn nhau, khác nào người quản lý trung tín giữ các thứ ơn của Đức Chúa Trời. Ví bằng có người giảng luận, thì hãy giảng như rao lời sấm truyền của Đức Chúa Trời; nếu có kẻ làm chức gì, thì hãy làm như nhờ sức Đức Chúa Trời ban, hầu cho Đức Chúa Trời được sáng danh trong mọi sự bởi Đức Chúa Giê-xu Christ; là Đấng được sự vinh hiển quyền phép đời đời vô cùng. A-men.” (I Phi-e-rơ 4:10-11)
Họ yêu mến Chúa Giê-xu, và khao khát hầu việc Ngài qua tinh thần phục vụ người khác.
* LỜI CẦU NGUYỆN: Lạy Cha Thiên Thượng, xin Thánh Linh Ngài hướng dẫn chúng con biết phục vụ người khác mỗi ngày. Nhân danh Chúa Giê-xu. A-men!
* Câu hỏi suy ngẫm:
1. Có ai trong hội thánh truyền cảm hứng khiến bạn muốn phục vụ nhiều hơn không? Bằng cách nào?
2. Câu Kinh Thánh trong bài tĩnh nguyện hôm nay tuy ngắn nhưng đầy năng quyền. Bạn có thể chia sẻ vài lời để đưa ra định nghĩa của riêng mình không?
3. Làm cách nào bạn có đủ sức để phục vụ người khác khi bản thân cảm thấy mình yếu đuối hay hờ hững với nhu cầu của người khác?
* Tác giả: Jon Suel
* Người dịch: Globalinks Team
—