NHỮNG DẰM XÓC
“Tôi cần phải khoe mình, dầu chẳng có ích gì; nhưng tôi sẽ nói đến các sự hiện thấy và sự Chúa đã tỏ ra…. Vậy nên, e rằng tôi lên mình kiêu ngạo bởi sự cao trọng cả thể của những sự tỏ ra ấy chăng, thì đã cho một cái dằm xóc vào thịt tôi, tức là quỉ sứ của Sa-tan, để vả tôi, và làm cho tôi đừng kiêu ngạo. Đã ba lần tôi cầu nguyện Chúa cho nó lìa xa tôi. Nhưng Chúa phán rằng: Ân điển ta đủ cho ngươi rồi, vì sức mạnh của ta nên trọn vẹn trong sự yếu đuối. Vậy tôi sẽ rất vui lòng khoe mình về sự yếu đuối tôi, hầu cho sức mạnh của Đấng Christ ở trong tôi. Cho nên tôi vì Đấng Christ mà đành chịu trong sự yếu đuối, nhuốc nhơ, túng ngặt, bắt bớ, khốn khó; vì khi tôi yếu đuối, ấy là lúc tôi mạnh mẽ.” (II Cô-rinh-tô 12:1, 7-10)
Sứ-đồ Phao-lô mở đầu bài tĩnh nguyện ngày hôm nay bằng một câu chuyện rất vòng vo mà có vẻ như ông đang đề cập đến những sự hiện thấy kỳ lạ mà Đức Chúa Trời đã tỏ ra cho ông. Cũng không hoàn toàn dễ hiểu, bởi vì Phao-lô đang cố tình mập mờ liệu những sự đó sẽ xảy ra với ông hay với người khác. Nhưng sau đó ông đã đi thẳng vào vấn đề mấu chốt: “E rằng tôi lên mình kiêu ngạo bởi sự cao trọng cả thể của những sự tỏ ra ấy chăng, thì đã cho một cái dằm xóc vào thịt tôi, tức là quỉ sứ của Sa-tan, để vả tôi”. Nói cách khác, Đức Chúa Trời đã chủ ý nhường bước và cho phép ma quỷ thử thách sứ-đồ Phao-lô bởi một căn bệnh hay cám dỗ nào đó? Chúng ta không rõ nhưng đó là thứ sẽ động chạm đến bản ngã của Phao-lô bất cứ khi nào ông tỏ ra kiêu ngạo hay tự hào. Thật khó làm trọn những việc lớn khi bản thân ông lại có vấn đề ngăn trở hay cơ thể chịu nhiều đau đớn!
Tất nhiên, ai cũng muốn biết chuyện đó là gì. Nhưng rõ ràng là sứ-đồ Phao-lô không muốn chúng ta hiểu được bởi vì có thể sau đó, chúng ta sẽ tốn nhiều thời gian để suy đoán về việc này thay vì hiểu được vấn đề của ông. Chính là điều sứ-đồ Phao-lô đã bền đổ cầu xin Chúa lấy đi cái dằm xóc nhưng Đức Chúa Trời lại từ chối. Ngài bác bỏ ngay cả đối với một sứ-đồ bởi vì “Ân điển ta đủ cho ngươi rồi, vì sức mạnh của ta nên trọn vẹn trong sự yếu đuối.”
Thật nản lòng làm sao! Tôi nghĩ rằng có thể Phao-lô đã thưa cùng Chúa, “Chúa ôi, có phải lần này Chúa muốn điều chỉnh mọi sai trái để bày tỏ quyền năng của Ngài cho nhiều người biết đến không?” Nhưng không, Đức Chúa Trời có những kế hoạch khác. Một Môi-se nói lắp; một Sam-sôn không quá sáng dạ; một Nô-ê dường như gặp vấn đề khi uống rượu; một Đa-vít với một quá khứ tội lỗi dù đã ăn năn nhưng cũng không thể tránh khỏi việc làm tổn hại đến gia đình mình trong tương lai. Chúng ta cũng có những cái dằm xóc như vậy, có thể đó là bệnh tật hay sự yếu đuối; hay một việc làm trong quá khứ dẫn đến những hậu quả chúng ta không thể thay đổi được; hay một sự cám dỗ ngáng chân chúng ta hết lần này đến lần khác.
Nhưng Đức Chúa Trời cũng phán cùng chúng ta như thế: “Ân điển ta đủ cho ngươi rồi, vì sức mạnh của ta nên trọn vẹn trong sự yếu đuối”. Khi Chúa hành động qua chúng ta thì rõ ràng những người xung quanh sẽ nhận biết rằng sức mạnh không phải đến từ chúng ta. Lòng thương xót, sự thánh khiết, tính chịu đựng, lòng tha thứ – bất cứ điều tốt đẹp nào mà con người nhìn thấy phản chiếu qua chúng ta rõ ràng không phải từ chúng ta mà từ chính Đức Chúa Trời. Và chính bởi điều này, Đức Thánh Linh sẽ kéo họ đến gần với Chúa Giê-xu, là Chúa Cứu Thế của họ.
Đức Chúa Trời luôn thấu hiểu và dùng sự yếu đuối của chúng ta – lẽ nào Ngài không nên làm thế sao? Vì Ngài đã bằng lòng trở nên yếu đuối trên thập tự giá mà tất cả tội lỗi đã được cất khỏi chúng ta, và chúng ta được trở nên trọn vẹn. Chính bởi sự chết của chính Ngài – sự yếu đuối cả thể để Ngài ban cho chúng ta sự sống. Và Ngài cũng sẽ dùng những yếu đuối của chúng ta để dẫn dắt những người khác đặt niềm tin nơi Chúa Giê-xu, Đấng đã chịu chết và sống lại để tất cả chúng ta cùng nhau hưởng vui mừng trong vương quốc của Ngài đời đời.
* LỜI CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, xin giúp đỡ và dùng sự yếu đuối của con để làm vinh hiển danh Ngài. A-men.
* Câu hỏi suy gẫm:
1. Khi trưởng thành, bạn có cho phép bản thân mình yếu đuối không? Tại sao (không)?
2. Nếu bạn sẵn lòng, hãy chia sẻ về một trong những cái dằm xóc của bạn để chúng ta cùng nhau cầu nguyện?
3. Đức Chúa Trời đã sử dụng “cái dằm” đó như thế nào để làm vinh hiển Ngài và để trở thành nguồn phước cho người xung quanh bạn?
* Tác giả: TS. Kari Vo
* Người dịch: Globalinks Team
—
—
Nếu bạn muốn tìm hiểu thêm về tình yêu cứu chuộc của Chúa Giê-xu hoặc cần được tư vấn về niềm tin, đừng ngần ngại tìm đến nhà thờ Tin Lành gần nhất.
Hoặc liên hệ với chúng tôi ngay hôm nay bằng cách để lại bình luận trực tiếp trên bài viết, nhắn tin trên Zalo qua số điện thoại: 0983117411