SỰ NHÓM LẠI
Kinh Thánh nền tảng: “Tôi vui mừng khi người ta nói với tôi rằng: “Ta hãy đi đến nhà Đức Giê-hô-va.” (Thi-thiên 122:1a)
Mỗi Chúa Nhật khi đến nhà thờ, tôi được nhắc nhở rằng mình là một trong những tội nhân mà Đấng Christ đã chết thay trên thập-tự giá. Không phải Ngài đã chết vì tội lỗi của cả thế gian này mà loại trừ tôi. Nhưng khi Đức Chúa Giê-xu chịu đau đớn trên thập tự giá tại đồi Gô-gô-tha trong ngày Thương Khó thì Ngài cũng đã chết thay cho tôi bởi vì tôi là một tội nhân. Khi gia đình tôi nhóm cầu nguyện, chúng tôi được nhắc nhở về sự hy sinh của Đấng Christ. Chúng tôi cũng biết rằng mình là một phần trong sự chết và sự chịu chôn của Ngài xảy ra cách đây gần 2.000 năm trước.
Trong Rô-ma 6:5, Kinh Thánh chép, “Vì nếu chúng ta làm một cùng Ngài bởi sự chết giống như sự chết của Ngài, thì chúng ta cũng sẽ làm một cùng Ngài bởi sự sống lại giống nhau.” Lời hứa tuyệt vời này đem đến cho chúng ta niềm hy vọng đối với những nan đề trong cuộc sống. Đấng Christ đã chịu chôn và đã phục sinh. Bởi đức tin, bạn trở nên “làm một” với Đấng Christ cũng như sẽ sống lại với Ngài nữa. Thực tế, sự chịu chôn thuộc linh với Ngài cũng như niềm hy vọng về sự vinh hiển sẽ thay đổi cách phản ứng của bạn đối với những nan đề bạn gặp phải mỗi ngày.
Thư Cô-lô-se 3:1-4 có chép, “Vậy nếu anh em được sống lại với Đấng Christ, hãy tìm các sự ở trên trời, là nơi Đấng Christ ngồi bên hữu Đức Chúa Trời. Hãy ham mến các sự ở trên trời, đừng ham mến các sự ở dưới đất; vì anh em đã chết, sự sống mình đã giấu với Đấng Christ trong Đức Chúa Trời. Khi nào Đấng Christ, là sự sống của anh em, sẽ hiện ra, bấy giờ anh em cũng sẽ hiện ra với Ngài trong sự vinh hiển.”
Bạn thấy đấy, Đức Chúa Trời mong muốn bạn và gia đình bạn được bình an. Ngài cũng muốn bạn vui hưởng phước hạnh trong ơn tha thứ của Ngài, vì tội lỗi đã phá vỡ sự bình yên trong gia đình bạn. Ngay giờ đây, Ngài cũng muốn bạn biết rằng niềm hy vọng về sự phục sinh của Đấng Christ có thể mang lại niềm hy vọng trong cuộc sống của gia đình bạn. Khi chúng ta nhóm lại để thờ phượng, chúng ta cũng kỷ niệm ngày Lễ Phục sinh. Nhưng niềm hân hoan này không chỉ dành cho cả gia đình. Mà còn dành cho cá nhân bạn nữa.
Nếu bạn là một người cha hay mẹ đơn thân; nếu bạn là những góa phu hay goá phụ hoặc đã ly hôn; hay nếu bạn cũng chưa từng kết hôn thì đừng tự loại mình ra khỏi những điều chúng tôi đang nói đến. Vì tất cả những tội nhân chúng ta đều có cùng một điểm chung. Chúng ta muốn nhìn thấy mối tương quan giữa đức tin thể hiện trong đời sống mỗi ngày của mình. Chúng ta lắng nghe những bài giảng và khiêm tốn hỏi, “Điều này áp dụng với mình như thế nào?” Lời giải đáp đó là, sự vinh hiển của Đấng Christ phục sinh sẵn dành cho tất cả mọi người. Điều này vẫn tiếp tục được bày tỏ qua sứ điệp về ơn tha thứ và niềm hy vọng mà chúng ta kinh nghiệm được qua mỗi buổi nhóm.
Nhạc sĩ Christopher Wordsworth đã ca ngợi việc thờ phượng trong Ngày Thánh như thế này, “Hỡi ngày yên nghỉ vui mừng. Hỡi ngày tươi sáng hân hoan. Hỡi ngày làm xoa dịu mọi phiền ưu, ngày đẹp đẽ, ngày tươi sáng nhất. Trước ngôi Ngài đời đời, hỡi những người cao sang hay thấp hèn, hãy hát lên ‘Thánh thay, thánh thay, thánh thay’ chúc tụng Đấng Ba Ngôi vĩ đại”.
* LỜI CẦU NGUYỆN: Lạy Cha Thiên Thượng, cảm ơn Ngài vì đã ban cho chúng con đặc ân được nhóm lại thờ phượng Ngài. Chúng con cầu nguyện, trong danh Chúa Giê-xu, A-men.
* Câu hỏi suy gẫm:
1. Khi còn nhỏ, việc đi nhóm vào mỗi sáng Chúa Nhật có phải là thói quen của gia đình bạn không? Tại sao?
2. Hãy chia sẻ ba lợi ích mà bạn nhận được khi đi nhà thờ là gì?
3. Kể từ khi đại dịch bùng phát, bạn đã làm gì để tiếp tục kinh nghiệm một buổi nhóm “nhà thờ”?
* Tác giả: MS. TS. Dale Meyer
* Người dịch: Globalinks Team
—
—
Nếu bạn muốn tìm hiểu thêm về tình yêu cứu chuộc của Chúa Giê-xu hoặc cần được tư vấn về niềm tin, đừng ngần ngại tìm đến nhà thờ Tin Lành gần nhất.
Hoặc liên hệ với chúng tôi ngay hôm nay bằng cách để lại bình luận trực tiếp trên bài viết, nhắn tin trên Zalo qua số điện thoại: 0983117411