“SỰ YẾU ĐUỐI” CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI
* I Cô-rinh-tô 1:20-25 “Người khôn ngoan ở đâu? Thầy thông giáo ở đâu? Người biện luận đời nay ở đâu? Có phải Đức Chúa Trời đã làm cho sự khôn ngoan của thế gian ra rồ dại không? Vì, tại thế gian cậy sự khôn ngoan mình, chẳng nhờ sự khôn ngoan Đức Chúa Trời mà nhận biết Đức Chúa Trời, nên Ngài đành lòng dùng sự giảng rồ dại của chúng ta mà cứu rỗi những người tin cậy. Vả, đương khi người Giu-đa đòi phép lạ, người Gờ-réc tìm sự khôn ngoan, thì chúng ta giảng Đấng Christ bị đóng đinh trên cây thập tự, là sự người Giu-đa lấy làm gương xấu, dân ngoại cho là rồ dại; song le, về những người được gọi, bất luận người Giu-đa hay người Gờ-réc, thì Đấng Christ là quyền phép của Đức Chúa Trời và sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời. Bởi vì sự rồ dại của Đức Chúa Trời là khôn sáng hơn người ta, và sự yếu đuối của Đức Chúa Trời là mạnh hơn người ta.”
Tại thành phố Cô-rinh-tô – một thủ đô cổ của nền văn hóa Hy Lạp và trung tâm thương mại thế giới, sứ đồ Phao-lô – bậc thầy truyền giáo trên thế giới, đã rao giảng cho những thính giả của ông một bài học tuyệt vời. Ông giảng về ân điển lớn lao và sự bình an của Đức Chúa Trời sẽ thuộc về họ nhờ đức tin bởi ân điển, là sự chắc chắn và còn mãi đời đời, đó những ơn phước quá lớn mà họ không thể nào kiếm được dù phải làm lụng vất vả cả đời.
Để tôn vinh Đấng Christ trên thập tự giá, Phao-lô đã công bố đỉnh điểm trái tim và linh hồn của Phúc Âm: đó là sự xưng công chính bởi đức tin. Ông giúp người nghe hiểu rằng họ đã được xưng công chính trong Danh Chúa Giê-xu Christ. Điều này có nghĩa là để có thể chuộc hết mọi tội lỗi cách nhưng không cho họ, huyết báu vô tội của Đấng Cứu Chuộc đã phải đổ ra để khiến cho họ được tẩy sạch mọi sai phạm và tội lỗi.
Để đảm bảo cho điều đó, rất nhiều sự dạy dỗ tương đồng khác được trình bày trong Thánh Kinh, những đầy tớ trung kiên của Chúa đã loan truyền điều này giữa thế giới Hy Lạp với tốc độ chóng mặt. Ngày nay, thế giới nói chung vô cùng nhanh chóng và luôn chứa sẵn thông tin bởi các phương tiện thông tin đại chúng và liên lạc đường dài.
Tuy nhiên, cũng giống như tư tưởng của những người Cô-rinh-tô, thời đại của chúng ta cũng chống lại sự thánh khiết và công chính. Vậy nên, việc chúng ta cũng như mọi sứ giả khác rao truyền về lòng thương xót của Đấng Christ đã được nhắc lại qua những lời đầy đức tin của Thánh Phao-lô: “Chúng ta giảng Đấng Christ bị đóng đinh trên cây thập tự”.
Đây chính là thông điệp mà Globalinks chúng tôi muốn gửi gắm. Thông điệp này bày tỏ cho thế giới biết rằng Đức Chúa Trời ban cho tất cả mọi người tình yêu thương của Ngài, dù họ thuộc bất kỳ tầng lớp hay địa vị nào, không có tội nhân nào quá thấp hèn mà không được tha thứ nhờ đức tin nơi Đấng Cứu Thế đã đắc thắng tội lỗi. Thông điệp này cũng nhắc chúng ta – cả bạn và tôi – rằng không có mặc cảm tội lỗi nào có thể kết tội chúng ta chúng ta, cũng như không có những kẻ thù hung tợn nào nơi địa ngục có thể đánh bại chúng ta. Nhờ có Đấng Christ mà mọi tội lỗi chúng ta đều được tha, cũng không còn mặc cảm tội lỗi nữa, do đó, sẽ không còn hình phạt nào nữa cho những người ở trong Ngài.
Đây là “sự rồ dại” của Đức Chúa Trời – khôn sáng hơn người ta. Đây là “sự yếu đuối” của Đức Chúa Trời – mạnh hơn bất cứ thế lực nào trên đất. Bởi thập tự giá của Chúa Giê-xu, Đức Chúa Trời đã xoá tan mọi sự biện hộ non nớt của con người cũ chúng ta và đưa ra phương cách để bảo vệ chúng ta. Khi tất cả sự chống đối trong con người của chúng ta bị đẩy lùi, tình yêu thương của Đấng Cứu Rỗi có thể biến nỗi khiếp sợ của chúng ta thành lòng tin cậy, biến nỗi sợ hãi của chúng ta thành sức mạnh và giúp chúng ta có thể chịu được những gánh nặng lớn nhất trong cuộc sống.
Ơn phước lớn nhất của Cha Thiên Thượng đến từ đức tin trọn vẹn và nhiệt thành của bạn. Sự giàu sang phú quý của hết thảy của cải trên đất chỉ là cát bụi và tro tàn so với sự giàu có, phong phú tâm linh lâu dài, đời đời của bạn khi bạn hoàn toàn tin cậy quyền năng của Đấng Cứu Chuộc “để cứu toàn vẹn” (Hê-bơ-rơ 7:25a).
* LỜI CẦU NGUYỆN: Lạy Cha Thiên Thượng, xin đặt để thập tự giá của Con Một Ngài trong lòng chúng con để chúng con luôn tin chắc và chia sẻ tình yêu của Chúa Giê-xu với người khác. Con cầu nguyện trong danh Chúa Giê-xu. A-men!
* Câu hỏi suy ngẫm:
1. Phương cách để giải cứu con người ra khỏi tội lỗi của Đức Chúa Trời có ý nghĩa gì đối với bạn?
2. Vì sao lời rao giảng của Phao-lô bị xem là “rồ dại” đối với người Do Thái và người Hy Lạp?
3. Trong cách tiếp cận của mình, bạn có gặp phải sự chống đối từ những người khác đối với sứ điệp Phúc Âm không? Bạn phản ứng như thế nào trong những lúc như vậy?
* Tác giả: MS. TS. E.R. Bertermann
* Người dịch: Globalinks Team
—