THOẢ LÒNG
Thi Thiên 65:2-4 “Hỡi Đấng nghe lời cầu nguyện, Các xác thịt đều sẽ đến cùng Ngài. Sự gian ác thắng hơn tôi: Còn về sự vi phạm chúng tôi, Chúa sẽ tha thứ cho. Phước thay cho người mà Chúa đã chọn và khiến đến gần, Đặng ở nơi hành lang Chúa: Chúng tôi sẽ được no nê vật tốt lành của nhà Chúa, Là đền thánh của Ngài.”
“Sự gian ác thắng hơn” có lẽ ai trong chúng ta cũng biết đó là điều gì. Có thể ngay từ cái nhìn đầu tiên đối với thế giới xung quanh, chúng ta dễ lắm bị cám dỗ; nhìn thấy sự gian ác ở khắp mọi nơi, và trong tất cả người khác. Nhưng rồi, nếu thành thật hơn, chúng ta lại thấy sự gian ác trong chính đời sống mình. Có thể chúng ta cảm thấy choáng ngợp trước tội lỗi và cảm thấy hổ thẹn. Chúng ta nghĩ rằng tội lỗi của mình quá lớn không thể nào được tha thứ. Chúng ta cũng cố giảm bớt lo âu về gánh nặng tội lỗi của bản thân cũng như buông bỏ gánh nặng gian ác đó, hay ít nhất là quên nó đi, thậm chí có thể là nhờ đến ma túy hoặc rượu chè. Hoặc có thể chúng ta nắm chặt lấy gánh nặng và tiếp tục trong tội lỗi có chủ đích. Hoặc có thể chúng ta tìm kiếm sự giúp đỡ từ những người mà cuối cùng họ cũng phơi bày bản chất là giáo sư giả, những người luôn đảm bảo, “Bình an, bình an, mà không bình an chi hết.” (Giê-rê-mi 6:14b)
Sự bình an thật chỉ được tìm thấy bởi ơn tha thứ mọi tội lỗi, và nguồn cứu giúp thật mỗi khi tội lỗi thắng thế là chính bởi Đấng đang lắng nghe lời cầu nguyện của chúng ta. Chúa Cứu Thế, là Đấng đã chuộc hết mọi sự vi phạm của chúng ta. Hai từ “sự vi phạm” và “chuộc”, mô tả cạm bẫy tội lỗi mà qua đó, chúng ta nhìn thấy chính mình và những việc đã được hoàn thành để giải phóng chúng ta. Sự vi phạm, tương tự với một từ khác chỉ về tội lỗi, đó là sự phạm pháp, có nghĩa là vượt qua ranh giới. Bởi mạng lệnh thánh của Ngài, Đức Chúa Trời đã vạch ra một giới hạn vô hình, một ranh giới mà chúng ta không thể vượt qua. Tuy nhiên, bởi sự chống nghịch với ý muốn của Ngài, từ tổ phụ A-đam và Ê-va ăn trái cấm cho đến những lựa chọn hàng ngày của chúng ta, chúng ta đều bước qua ranh giới đó. Chúng ta làm những điều mà mình không được phép làm cũng như không làm điều lành theo lời dạy dỗ của Chúa. Vì trước kia A-đam và Ê-va đã lẩn trốn khỏi sự hiện diện của Đức Chúa Trời nên sự vi phạm của chúng ta càng tăng lên và làm chúng ta xa cách với Đức Chúa Trời. “Nhưng ấy là sự gian ác các ngươi làm xa cách mình với Đức Chúa Trời.” (Ê-sai 59:2a)
Chỉ có Đấng mà chúng ta cầu xin mới có thể giải cứu chúng ta. Chúa Giê-xu đã chuộc mọi sự vi phạm của chúng ta. Từ “chuộc” bày tỏ ý nghĩa riêng của nó; đó là một từ được tạo thành bởi hai từ: nên một. Chúa Giê-xu đã đến thế gian để chuộc mọi tội lỗi của chúng ta, để giải hoà chúng ta với Đức Chúa Trời, để khiến chúng ta nên một với Ngài. Đấng Cứu Chuộc chúng ta không bao giờ vi phạm, không bao giờ vượt qua ranh giới mạng lệnh thánh của Đức Chúa Trời. Khi đó, chính Con Một Ngài – là Đấng vô tội đã chất lấy mọi gánh nặng tội lỗi của chúng ta trên Ngài và mang chúng trên thập giá. Tại đó, Ngài đã chịu thay án phạt cho chúng ta là sự chết. Nhờ Chúa Giê-xu, Đức Chúa Trời đã hòa giải chúng ta với chính Ngài, “bởi huyết Ngài trên thập tự giá thì đã làm nên hoà bình.” (Cô-lô-se 1:20b)
“Phước thay cho người mà Chúa đã chọn và khiến đến gần.” Chúng ta đã được Đức Thánh Linh kêu gọi qua Phúc Âm, tin tức tốt lành trong cả mọi điều mà Chúa Giê-xu đã làm trọn vì cớ chúng ta. Đức Chúa Trời đã vượt qua ranh giới ngăn cách giữa chúng ta với chính Ngài và khiến chúng ta có thể đến gần Ngài. Khi chúng ta ăn năn và từ bỏ tội lỗi dưới chân thập tự thì gánh nặng của tội lỗi sẽ được cất khỏi. Sự gian ác của chúng ta đã bị chôn vùi mãi mãi trong ngôi mộ trống của buổi sáng Phục sinh đầu tiên, đó là điều khiến chúng ta thật sự vui thoả.
* LỜI CẦU NGUYỆN: Kính lạy Chúa, con tạ ơn Ngài đã luôn lắng nghe lời cầu nguyện và tha thứ mọi sự vi phạm của chúng con. Trong danh Chúa Giê-xu, chúng con ngợi khen Ngài. A-men!
* Câu hỏi suy ngẫm:
1. Làm thế nào bạn biết khi Đức Chúa Trời tha thứ mọi tội sẽ đem đến cho bạn sự bình an?
2. Có phải việc nhóm lại ở Nhà Chúa, Hội Thánh là một hoạt động quan trọng đối với bạn?
3. Những tội lỗi cụ thể nào mà bạn cần “được gìn giữ” để vượt qua?
* Tác giả: TS. Carol Geisler
* Người dịch: Globalinks Team
—