TỪ TỘI NHÂN ĐẾN CHỨNG NHÂN
* Ê-phê-sô 4:4-7 “Chỉ có một thân thể, một Thánh Linh, như anh em bởi chức phận mình đã được gọi đến một sự trông cậy mà thôi; chỉ có một Chúa, một đức tin, một phép báp-têm; chỉ có một Đức Chúa Trời và một Cha của mọi người, Ngài là trên cả mọi người, giữa mọi người và ở trong mọi người. Nhưng, đã ban ân điển cho mỗi một người trong chúng ta theo lượng sự ban cho của Đấng Christ.”
Đức Chúa Trời vẫn luôn hành động để mời gọi mỗi người chúng ta vì con người luôn có xu hướng quên mất sự hiện diện của Ngài. Họ thích nghĩ ngợi rằng Ngài không hề quan tâm hay thậm chí tệ hơn là Ngài không hề hiện hữu. Và trong khi Đức Chúa Trời thiết lập thế giới để con người được sinh ra và sống động trên đất này, thì chính tội lỗi đã phân cách con người chúng ta với Đức Chúa Trời.
Nhưng Đức Chúa Trời đã thu hẹp khoảng cách này bằng cách sai chính Con Một Ngài là Chúa Giê-xu Christ xuống thế gian để trở nên con người. Qua cuộc đời, sự chết và sự sống lại của Đấng Cứu Rỗi, Đức Chúa Trời kêu gọi chúng ta bước vào đức tin để được cứu rỗi. “Mọi điều đó đến bởi Đức Chúa Trời, Ngài đã làm cho chúng ta nhờ Đấng Christ mà được hòa thuận lại cùng Ngài, và đã giao chức vụ giảng hòa cho chúng ta.” (II Cô-rinh-tô 5:18)
Thật vậy! Hiện nay, chúng ta là những người giảng hoà – là dân thuộc về Đức Chúa Trời, là bằng cớ đầy thuyết phục để mời gọi nhiều người cùng kinh nghiệm lòng thương xót mà Chúa ban cho chúng ta cách nhưng không.
Trách nhiệm kêu gọi người khác giống như một người leo núi đang lớn tiếng hò hét dẫn đường cho những người bị mắc kẹt trên vách đá thẳng đứng làm sao để vượt qua hố sâu ngăn cách, dẫn họ vào lối an toàn để trở về. Phải, tiếng reo hò của chúng ta có lẽ thật ầm ĩ nhưng nó chứa đầy lòng trắc ẩn cũng như sự thấu hiểu. Vì khi nhớ lại chúng ta cũng đã từng là những con người lầm lạc, mơ hồ giữa con đường phía trước và trông chờ sự giúp đỡ trong tuyệt vọng.
Những trải nghiệm này càng giúp ích cho công tác làm chứng của Cơ Đốc nhân để có những lời nói thích hợp vào đúng thời điểm. Đây là công tác của con người nhưng vẫn có sự đồng công của Cha Thiên Thượng, giúp chúng ta luôn kiên trì và không thờ ơ với những con người đang vùng vẫy trong vũng bùn tội lỗi, đang bị đùa vào chỗ chết mất.
Và trên hết, công tác truyền bá Tin Mừng của Cơ-đốc nhân chính là một cách để tỏ lòng yêu thương. Chúng ta đang công bố cho những tội nhân khác biết rằng Đức Chúa Trời là Cha cũng là Đấng Sáng Tạo yêu chúng ta biết bao. Chúng ta cũng đang chia sẻ Tin Mừng về phương cách Đức Chúa Cha đã ban Con Một yêu dấu của Ngài để cứu chuộc chúng ta ra khỏi nơi tối tăm của tội lỗi và gọi chúng ta “đến nơi sáng láng lạ lùng của Ngài.” (I Phi-e-rơ 2:9b)
Dĩ nhiên, thật quá mạo hiểm khi vẫn tiếp tục công tác công bố ân điển của Đức Chúa Trời cho muôn người trong khi tất cả chúng ta đều nhận thức rõ việc này đầy thách thức như thế nào. Tuy nhiên, đó là trách nhiệm mà chúng ta được giao phó và bởi sự vùa giúp của Đức Chúa Trời, chúng ta có thể trở thành người phát ngôn của Ngài cho toàn thể nhân loại.
Điều quan trọng hơn cả, hãy luôn nhìn lên Đức Chúa Trời là Đấng sẽ hướng dẫn và mở đường để những nỗ lực trong sứ mệnh của chúng ta có thể tránh được mọi trở ngại-điều khiến chúng ta trì hoãn hay lệch hướng hoàn toàn. Đây là những lời mà sứ đồ Phao-lô cũng khuyên dạy học trò Ti-mô-thê hãy hết lòng chia sẻ Phúc âm: “Hãy cự những lời biện luận điên dại và trái lẽ, vì biết rằng chỉ sanh ra điều tranh cạnh mà thôi. Vả, tôi tớ của Chúa không nên ưa sự tranh cạnh; nhưng phải ở tử tế với mọi người, có tài dạy dỗ, nhịn nhục, dùng cách mềm mại mà sửa dạy những kẻ chống trả, mong rằng Đức Chúa Trời ban cho họ sự ăn năn để nhìn biết lẽ thật.” (II Ti-mô-thê 2:23-25)
Nguyện xin Chúa ban phước để bạn luôn hết lòng sống với sự kêu gọi của mình!
* LỜI CẦU NGUYỆN: Kính lạy Cha Thiên Thượng, xin dạy dỗ chúng con biết chia sẻ về tình yêu của Ngài cho những người chúng con gặp gỡ. Trong danh Chúa Giê-xu. A-men.
* Câu hỏi suy ngẫm:
1. Khi chia sẻ với người khác về những vấn đề tâm linh, bạn có nghĩ rằng cần phải xây dựng mối quan hệ nào trước không?
2. Theo bạn, liệu có thể nhận biết “chức vụ giảng hoà” qua đời sống một người không? Có thể qua những dấu hiệu nào?
3. Bạn có ao ước sẽ ngày càng yêu mến và hết lòng chia sẻ Tin Mừng của Chúa Giê-xu cho người khác không? Bạn có thể làm gì để thực hiện việc đó?
* Tác giả: MS. TS. Richard R. Caemmerer
* Người dịch: Globalinks Team
—